VIÊM TAI GIỮA

NHIỄM TRÙNG TAI Ở TRẺ EM

Nhiễm trùng tai là gì?

Nhiễm trùng tai là một bệnh có thể gây đau ở tai, sốt và giảm khả năng nghe. Nhiễm trùng tai phổ biến ở trẻ em.

Nhiễm trùng tai thường xảy ra ở trẻ em sau khi bị cảm lạnh. Dịch có thể được tạo ra ở phần giữa của tai ở phía sau màng nhĩ. Dịch này có thể bị nhiễm trùng và đẩy vào màng nhĩ gây phồng màng nhĩ. Hiện tượng này gây ra các triệu chứng.

Ở một số trẻ em, một ít dịch có thể vẫn còn ở trong tai nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi hết đau và hết nhiễm trùng. Dịch này có thể gây mất khả năng nghe (thính lực) nhẹ và tạm thời. Nếu mất thính lực kéo dài, đôi khi có thể dẩn đến các vấn đề về ngôn ngữ, khả năng nói và việc học.

Các triệu chứng của nhiễm trùng tai là gì?

Ở trẻ em, các triệu chứng là:

- Sốt.

- Giật ở trong tai.

- Quấy khóc nhiều hơn hoặc ít hoạt động hơn so với bình thường.

- Chán ăn và ăn (hoặc bú sữa) ít đi.

- Nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Ở trẻ lớn hơn, các triệu chứng thường là đau tai hoặc mất khả năng nghe tạm thời.

Làm thế nào để tôi biết con của tôi có thể bị nhiễm trùng tai hay không?

Nếu bạn nghĩ con của bạn có thể bị nhiễm trùng tai hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể chẩn đoán con của bạn có thể bị nhiễm trùng tai hay không. Họ sẽ hỏi các triệu chứng, khám tai và nhìn vào trong tai của con bạn.

Tôi có thể làm điều gì giúp con tôi đỡ hơn hay không?

Có. Bạn có thể cho con bạn thuốc, như là acetaminophen (paracetamol) (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm đau. Đừng bao giờ sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi. Aspirin có thể gây biến chứng nguy hiểm được gọi là hội chứng Reye.

Hầu hết các bác sĩ không khuyến cáo điều trị nhiễm trùng tai bằng các thuốc điều trị cảm cúm hoặc các thuốc giảm ho. Những thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm ở trẻ em.

Không được đưa bất cứ vật gì vào tai của trẻ trừ khi bác sĩ đề nghị làm.

Đi máy bay có thể làm cho đau tai thêm, đặc biệt khi máy bay bắt đầu hạ cánh. Nếu con bạn còn bú sữa, có thể giúp cho con bạn giảm đau bằng cách cho con bạn bú vú giả hoặc bú bình lúc máy bay hạ cánh. Nếu con bạn lớn hơn, nhai kẹo chewing gum hoặc thức ăn có thể giúp giảm đau.

Nhiễm trùng tai được điều trị bằng cách nào?

Bác sĩ có thể điều trị nhiễm trùng tai bằng kháng sinh. Những thuốc này diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng tai. Nhưng bác sĩ không phải luôn luôn kê đơn những thuốc này ngay. Đó là vì một số nhiễm trùng tai có nguyên nhân do virus, chứ không phải vi khuẩn và kháng sinh không diệt được virus.

Bác sĩ thường kê đơn kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tai cho trẻ nhỏ hơn 2 tuổi.

Bác sĩ có thể đề nghị theo dõi các triệu chứng từ 1 đến 2 ngày trước khi thử điều trị kháng sinh nếu:

- Con của bạn nhỏ hơn 2 tuổi.

- Tổng trạng chung con của bạn khỏe.

- Đau và sốt không nặng.

Bạn và bác sĩ của bạn nên thảo luận có nên cho con của bạn kháng sinh hay không. Điều này tùy thuộc vào tuổi của con bạn, các vấn đề sức khỏe và trước đây con của bạn đã bị nhiễm trùng tai bao nhiêu lần rồi.

Khi nào con của tôi có thể đi học lại hoặc đi nhà trẻ lại?

Nói chung, con của bạn có thể đi học lại hoặc đi nhà trẻ lại nếu cảm thấy trẻ khá hơn và không còn sốt. Nhiễm trùng tai không bị lây.

Tôi phải theo dõi các vấn đề gì?

Bạn nên gọi bác sĩ nếu:

- Các triệu chứng nặng hơn bất kỳ lúc nào.

- Con của bạn không cải thiện sau 2 ngày.

- Có dịch chảy ra từ tai của con bạn.

Bạn cũng nên đưa con đi khám bác sĩ vài tháng sau khi bị nhiễm trùng tai nếu con bạn nhỏ hơn hai tuổi hoặc có các vấn đề về ngôn ngữ hoặc học hành. Bác sĩ sẽ khám tai và đảm bảo đã hết dịch. Con của bạn có thể cũng cần các test theo dõi để kiểm tra khả năng nghe của trẻ.

Nếu dịch trong tai gây mất khả năng nghe và không hết sau nhiều tháng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị giúp dẩn lưu dịch. Điều trị bằng phẫu thuật đặt một ống nhỏ vào màng nhĩ.

Có thể dự phòng được nhiễm trùng tai hay không?

Bạn có thể làm giảm nguy cơ con bạn bị nhiễm trùng tai bằng cách:

- Đưa con của bạn tránh xa những nơi có người hút thuốc lá.

- Giúp con của bạn rửa tay thường xuyên.

- Giúp con của bạn tránh tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh hoặc đang bị nhiễm virus.

- Đảm bảo con của bạn tiêm được vaccine đầy đủ.

Nếu con của bạn bị nhiều lần nhiễm trùng tai, hãy hỏi bác sĩ những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

UpToDate 2024

Viêm tai giữa

Tai ở hình bên trái bình thường và không bị nhiễm trùng. Tai ở hình bên phải bị nhiễm trùng. Dịch bị nhiễm trùng trong tai giữa làm cho màng nhĩ bị phồng. Bình thường, dịch trong tai giữa chảy vào họng qua một cái ống được gọi là “vòi Eustach”. Nhưng khi bị nhiễm trùng, viêm sưng làm tắc vòi, làm dịch được tạo ra nhiều.