BỆNH UỐN VÁN

Bệnh uốn ván là gì?

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây cứng cơ và co thắt cơ. Bệnh đôi khi được gọi là “cứng hàm” vì co thắt cơ có thể nghiến chặt hàm lại.

Nguyên nhân của bệnh uốn ván là một loại vi khuẩn sống trong đất. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt hoặc chỗ bị cào xước. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể nếu một người sử dụng kim để tiêm heroin. Hầu hết mọi người đều được tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván là gì?

Các triệu chứng có thể:

- Cứng hàm hoặc các cơ ở cổ, làm cho khó vận động bình thường hàm hoặc cổ.

- Nụ cười khác lạ không biến mất khi bạn cố gắng giãn cơ ở miệng.

- Các cơ cứng, đau không hết khi bạn cố gắng giãn cơ.

- Khó thở, khó nuốt hoặc cả hai.

- Cảm giác kích thích hoặc bồn chồn.

- Vã mồ hôi ngay cả khi không gắng sức hoặc không nóng.

- Tim đập nhanh hơn bình thường hoặc nhịp tim không đều.

- Sốt.

- Co thắt cơ đau.

Người bị bệnh uốn ván nặng có thể có thể bị co cơ làm cho cơ thể có tư thế bất thường. Các tư thể này có thể là:

- Các nắm tay nắm chặt.

- Lưng ưỡn cong.

- Các chân duỗi thẳng ra.

- Các tay giật.

- Khó thở. Người bệnh có thể bị ngưng thở trong khi cơ co thắt.

Có xét nghiệm nào cho bệnh uốn ván hay không?

Không có. Không có xét nghiệm đơn giản. Nhưng bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị uốn ván hay không bằng cách hỏi các triệu chứng, tiền sử tiêm chủng và khám bệnh. Bệnh nhiễm trùng này hầu như có khả năng xảy ra ở những người bị vết thương, những người không được tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván hoặc không được tiêm tăng cường vaccine đúng.

Bệnh uốn ván có nguy hiểm hay không?

Có. Người bị bệnh uốn ván cần phải nhập viện, một số người có thể tử vong do bệnh. Co thắt cơ có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở.

Bệnh uốn ván được điều trị bằng cách nào?

Bác sĩ điều trị bệnh uốn ván tại bệnh viện. Điều trị bao gồm:

- Làm sạch vết thương hoặc những vết cào xước để loại bỏ da và mô có thể có vi khuẩn.

- Sử dụng thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng.

- Tiêm liều tăng cường vaccine phòng bệnh uốn ván.

- Sử dụng thuốc hoặc những cách điều trị khác để làm giảm co thắt cơ, giảm khó thở, đau và các triệu chứng khác.

- Sử dụng máy thở cho bệnh nhân bị khó thở.

- Sử dụng ống nuôi ăn nếu bạn không thể tự ăn hoặc tự uống.

- Tập vật lý trị liệu giúp hồi phục cơ.

Có thể dự phòng được bệnh uốn ván hay không?

Có. Để làm giảm nguy cơ bị bệnh uốn ván, cần làm những điều sau:

- Tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván và tiêm tăng cường. Điều quan trọng là phải tiêm liều tăng cường vaccine phòng bệnh uốn ván định kỳ. Những liều tiêm tăng cường nhắc nhở cơ thể bạn cách bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Người lớn nên tiêm liều tăng cường 10 năm mỗi lần.

- Hãy gọi bác sĩ nếu bạn bị vết thương xuyên thủng hoặc bị động vật cắn. Vết thương xuyên thủng khi một vật sắc hoặc nhọn, như đinh, đâm sâu vào da của bạn. Bạn cũng phải báo bác sĩ nếu bạn bị chấn thương để lại bất kỳ vật gì trên da của bạn, như mảnh kim loại, mảnh gương.

Nếu bạn bị vết thương bẩn, bạn cần được tiêm liều vaccine tăng cường nếu trong 5 năm vừa qua bạn không được tiêm liều vaccine tăng cường.

- Rửa sạch vết thương cẩn thận. Rửa sạch tất cả các vết cắt hoặc vết cào xước bằng xà phòng và nước, sử dụng mỡ kháng sinh cho vết thương. Hãy đi khám bệnh nếu bạn không thể làm sạch tất cả vết bẩn hoặc không thấy tất cả các đường vào vết thương.

- Hãy cẩn thận với kim tiêm. Nếu bạn sử dụng kim tiêm (chẳng hạn, để tự tiêm thuốc), hãy đảm bảo kim tiêm sạch và vô trùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

UpToDate 2024